Câu 21: Mạc khải là gì?

Từ ngữ “mạc khải” xuất phát từ revelare trong tiếng Latin, có nghĩa là “tiết lộ.” Tiếng Hy-lạp sử dụng từ apokalupto, (từ đó chúng ta có từ “apocalypse”) và tiếng Do Thái dùng từ galad cũng có nghĩa là “không che đậy” hay “tiết lộ.” Kéo bức màn ra để tỏ lộ điều gì đó đằng sau là chìa khóa để hiểu mạc khải trong Thánh Kinh. Hòm Bia Giao Ước chứa đựng 10 lời của Thiên Chúa (Debarim) hay còn gọi là Mười Điều Răn, và được đặt trong Đền thờ Giêrusalem. Nơi đặt Hòm Bia được tách riêng khỏi những phần còn lại của Đền Thờ bằng một bức màn, và căn phòng ấy được gọi là Nơi Cực Thánh. Không ai có thể đi vào phía sau bức màn trong Nơi Cực Thánh và đứng trước Hòm Bia Giao Ước ngoại trừ vị Thượng Tế, và vị ấy chỉ được phép thực hiện công việc ấy một lần mỗi năm vào Ngày lễ Xá Giải. Mạc khải là việc “tiết lộ” Lời của Thiên Chúa.
Mạc khải tự nhiên là một các thức mà qua đó, con người bình thường nhờ khả năng của chính mình, có thể xác định được những chân lý chắc chắn. Mọi người đều biết lửa thì nóng bởi vì, ít nhất, mọi người đã cảm nhận được sức nóng của một ngọn lửa. Sự hiểu biết đó là mạc khải tự nhiên. Chân lý mang tính thực nghiệm là điều có thể được quan sát bởi các nhà khoa học ngang qua quá trình quan sát và thí nghiệm. Chân lý triết học là điều có thể được suy ra ngang qua khả năng của lý trí. Chẳng hạn: 2 + 2 = 4 là một chân lý tự thân hay chân lý hiển nhiên. Trường hợp 2 + 2 = 5 là một chân lý mang tính luận lý và có tính cách triết học. Điều tương tự áp dụng cho thực tại là nếu A = B và B = C, thì A = C phải đúng. Tương tự như vậy, nguyên lý không mâu thuẫn trong triết học phát biểu rằng một điều gì đó không thể đồng thời không là nó; chẳng hạn, bạn không thể sống và chết cùng một lúc, bởi vì những [nội hàm của] thuộc từ ấy loại trừ lẫn nhau. Hoặc là bạn sống hoặc là bạn chết, nhưng bạn không thể vừa sống vừa chết cùng một lúc được.
Tuy nhiên, chân lý thần học thì không được biết đến qua khả năng của lý trí hay quan sát, thậm chí không nhất thiết mâu thuẫn với khoa học và triết học. Chân lý thần học được biết đến bởi mạc khải thần linh và được chấp nhận trong đức tin. Đức tin là sự tin tưởng vào điều mà chỉ riêng lý trí con người thôi thì không thể biết được. Đức tin là nhận lấy lời của một ai đó mà không cần có bằng chứng thực nghiệm. Chân lý được mạc khải cho biết rằng có một Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chân lý được mạc khải ấy là chân lý mạc khải mang tính thần học và thánh thiêng. Mạc khải cho biết Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Thứ Hai của Ba Ngôi hoặc Chúa Giêsu Kitô là một Ngôi vị thần linh với hai bản tính, bản tính nhân loại và bản tính thần linh, được truyền tải qua mạc khải thánh thiêng. Chính vì nhờ đức tin, mà chúng ta tin tưởng vào những chân lý mạc khải thần linh này.
Do đó, các thần học gia định nghĩa mạc khải như là việc Thiên Chúa tiết lộ hay phơi bày những chân lý siêu nhiên cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta. Mạc khải thần linh đến từ Thiên Chúa và có thể được lưu chuyển vào Thánh Kinh hoặc Thánh Truyền.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc.), 23-24.

5/5 - (1 vote)
Banner-backlink-danaseo

Bài viết liên quan

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments