Mọi trao đổi, tương tác hầu hết chỉ thể hiện qua văn viết; thậm chí khi giọng của mình vô tình lạc vào Instagram/Facebook story, tôi cũng lặng lẽ nhấn nút tắt tiếng trước khi đăng. Tất cả là vì tôi từng vô cùng tự ti về một nhược điểm trong giọng nói của mình: ngắn lưỡi. Mindovermetal đã tổng hợp giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này!
Sinh ra với cái lưỡi ngắn, từ nhỏ, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Tôi nói luyến âm, mất âm nhiều, tạo ra cảm giác nói nhanh, nói khó nghe hơn người bình thường. “Hả? Cháu nói cái gì?”, “Con nói lại, con nói cô nghe không hiểu?”, “Tao căng tai nghe con bé này nói mà vẫn chẳng hiểu gì!”… — đó là những câu tôi nghe thường trực từ nhỏ tới lớn. Tự ti về giọng nói nên tôi rất hạn chế nói trước người lạ, và nếu buộc phải nói thì tôi thường nói rất nhanh và rất nhỏ để người ta không chú ý đến mình, dẫn đến việc càng khó nghe hơn.
Sau này, không hiểu “dòng đời xô đẩy” như thế nào tôi lại trở thành giáo viên — một nghề rất cần kỹ năng nói. Nhưng may mắn là trong quá trình học tập, tôi nhận ra khuyết điểm ngắn lưỡi của mình ít bị phát hiện khi nói tiếng Anh. Có lẽ là vì cách phát âm tiếng Anh khác với tiếng Việt, khuyến khích luyến láy, nối âm nhiều hơn nên cái giọng kỳ cục của tôi lại được khen “tự nhiên như người bản ngữ”. Chính vì thế, từ trước tới nay, tôi chỉ tập trung dạy tiếng Anh hoặc dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh ở cả Việt Nam và Mỹ vì nó đem lại cho tôi sự tự tin trong giọng nói mà tôi không có được khi nói tiếng Việt.
Nhưng vào cuối năm vừa rồi (năm 2020), tôi quyết định đối diện với sự tự ti của mình và vượt qua nó bằng việc ép mình phải nói tiếng Việt trước công chúng. Vì thế, tôi quyết định mở ra kênh YouTube và Podcast cho The Present Writer với một phần mục đích là tạo động lực để tôi luyện tập nói tiếng Việt chuẩn hơn. Khi video/podcast ra đời, đó cũng là lần đầu tiên mà hầu hết bạn đọc The Present Writer nghe được giọng của tôi.
Và không ngoài dự đoán, tôi nhận được rất nhiều bình luận về giọng nói của mình. Một số người từng để comment trên YouTube nói tôi “điệu”, “giọng cứ sai sai làm sao ấy”, thậm chí còn so sánh đoạn tôi phát âm tiếng Anh và tiếng Việt rồi chụp mũ: “cố tình nói tiếng Việt chệch đi để thể hiện ta đây ở nước ngoài”.