Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học đã và đang được khẳng định và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục. Nhiều năm qua, Sở GD và ĐT đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy và học tại các nhà trường. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT vào dạy và học đã được Sở GD và ĐT quan tâm đầu tư. Hầu hết các trường học ở các cấp học trong tỉnh đã được trang bị phòng máy tính, máy chiếu tương đối đầy đủ phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi. 

Một tiết học Tin học của học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên).
Một tiết học Tin học của học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên).

Xác định ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đổi mới giáo dục, Sở GD và ĐT đã quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục. Sở GD và ĐT tổ chức các lớp tập huấn phần mềm hỗ trợ giảng dạy các môn học cho cán bộ, giáo viên cốt cán các trường; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó, giáo viên ứng dụng CNTT để thiết kế bài giảng điện tử, tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu trên mạng để phục vụ công tác giảng dạy; cập nhật kho bài giảng E-learning, thi nói các môn ngoại ngữ…; tăng cường ứng dụng phần mềm “Trường học kết nối” phục vụ sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ và học hỏi giữa các đơn vị. Mới đây, Sở GD và ĐT đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT qua công cụ Office 365 cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường THCS, THPT, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), GDTX và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh, qua đó góp phần nâng cao năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Hiện tại một số nhà trường đã xây dựng và bước đầu khai thác hiệu quả website của trường. Nhiều trường còn huy động xã hội hoá trang bị cho mỗi lớp học 1 máy tính, 1 máy chiếu hoặc ti vi có kết nối internet để giáo viên khai thác ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Trong 2 năm học 2018-2019, 2019-2020, Sở GD và ĐT thực hiện đánh giá bồi dưỡng thường xuyên đối với tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn và tất cả giáo viên trong tỉnh bằng hình thức trực tuyến. Qua kiểm tra đã đánh giá được tinh thần thái độ, trình độ năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ quản lý và giáo viên. Sở GD và ĐT cũng chỉ đạo các trường học chú trọng ứng dụng CNTT trong tổ chức dạy học; tăng cường sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT đã có sẵn; tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, cộng đồng; sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, khuyến khích các nhà trường phê duyệt giáo án trực tuyến (sử dụng phần mềm, email hoặc google drive…). Hiện tại, ở tất cả các cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX, việc quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử, tích hợp với trang tin điện tử của nhà trường đều được thực hiện trên môi trường mạng ở tất cả các cơ sở giáo dục. Riêng bậc tiểu học đã có 7.086 máy vi tính phục vụ quản lý và học tập. Các trường tiểu học tổ chức dạy môn Tin học cho các lớp 3, 4, 5 theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 3031/2017/BGDĐT-GDTH của Bộ GD và ĐT; đồng thời thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm đối với các đơn vị triển khai thí điểm dạy Tin học theo chương trình IC3-Spark. 100% học sinh ở các khối lớp 3, 4, 5 tại các trường tiểu học đã được học tin học. Tại các trường THCS, THPT, việc triển khai hạ tầng và thiết bị CNTT phục vụ dạy và học được thực hiện tích cực. Hiện bậc giáo dục phổ thông đã có 431 phòng thực hành Tin học với số lượng 7.540 máy phục vụ dạy học đang sử dụng tốt và 2.399 máy vi tính phục vụ công tác quản lý; trong đó cấp THCS có 298 phòng với 4.751 máy tính phục vụ dạy học và 1.698 máy tính phục vụ công tác quản lý; cấp THPT có 133 phòng với 2.789 máy tính phục vụ dạy học và 701 máy tính phục vụ công tác quản lý. Hầu hết các máy tính đều được kết nối internet. 100% các trường THCS và THPT đã tạo tài khoản cho giáo viên trên “trường học kết nối”, nghiêm túc chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cụ thể, khoa học. Nhiều tổ, nhóm chuyên môn các nhà trường đã tiến hành triển khai các buổi sinh hoạt trực tuyến, thảo luận chuyên đề trên “Trường học kết nối”. 100% các đơn vị giáo dục đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình học sinh, kết nối với phụ huynh qua các trang website của trường. Việc ứng dụng CNTT trong công tác thi cử hoặc tuyển sinh đầu cấp học cũng được thực hiện hiệu quả. Trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020, Sở GD và ĐT đã sử dụng hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến đợt 2, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, đảm bảo tính khách quan, được phụ huynh, giáo viên và nhân dân đồng tình. Năm học 2018-2019, Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường THCS và THPT tổ chức thi Olympic dành cho học sinh trung học bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến. Các đơn vị ứng dụng hiệu quả CNTT vào dạy và học như các trường: Mầm non Hải Châu (Hải Hậu), Tiểu học Phạm Hồng Thái, Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định); THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực), THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), THPT Hải Hậu A (Hải Hậu), THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), THPT Tống Văn Trân (Ý Yên)…

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học phù hợp xu thế phát triển của xã hội. Thực tế các bài giảng có sử dụng CNTT sẽ sinh động, hấp dẫn hơn rất nhiều so với bài giảng theo phương pháp truyền thống. Học sinh thật sự là “chủ thể hóa” của hoạt động nhận thức thông qua việc trực tiếp quan sát, thảo luận, thí nghiệm… Tuy nhiên, để việc ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học được hiệu quả, ngành GD và ĐT cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong dạy học; tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên về ứng dụng CNTT. Ban giám hiệu các nhà trường cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất việc sử dụng và bảo quản các trang thiết bị về CNTT, kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chuyên môn làm tốt./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

5/5 - (1 vote)
Banner-backlink-danaseo

Bài viết liên quan

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments