ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY NGÀNH THIẾT KẾ CÔNG NGHIỆP –

                 Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 công nghệ thông tin thực sự đã tạo ra những biến đổi mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rộng rãi trong đào tạo nói chung và đào tạo Mỹ thuật ứng dụng nói riêng đã cho thấy vai trò quan trọng và những ứng dụng hiệu quả của CNTT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo thiết kế  ở các nước phát triển như: Đức, Mỹ,  Pháp, Nhật…Việc ứng dụng CNTT trong thực tế giảng dạy đã đem lại thành công đáng kể và những chuyển biến tích cực trong đào tạo nhất là về phương pháp giảng dạy (PPGD) đây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ trong đào tạo nói chung và thiết kế nói riêng.
Ở Việt Nam những năm qua việc đổi mới nội dung và chương trình đào tạo ngành thiết kế công nghiệp cũng đã được cập nhật thực hiện theo hướng tích cực. Đổi mới nội dung chương trình yêu cầu phải đổi mới PPGD. Đổi mới PPGD đòi hỏi phải sử dụng công nghệ phương tiện dạy học hiện đại và CNTT là một trong những phương tiện rất quan trọng góp phần đổi mới PPGD  bằng việc cung cấp cho GV những phương tiện làm việc tiện lợi tương thích trong dạy học. Nhằm chuyển tải kiến thức đến người học một cách chi tiết dễ hiểu nhất vì ngành học thiết kế, mỹ thuật là ngành học đặc thù thiên về thực hành, các giải pháp mang tính ứng dụng đời sống cao, cần phải hướng dẫn SV theo hình thức mô phỏng cụ thể về sản phẩm thiết kế và kết hợp với nhiều yếu tố công nghệ khác để xây dựng bài giảng giúp người học nắm vững về lý thuyết, thực hành quy trình thiết kế bài bản có liên hệ thực tế ngay trên lớp học, thông qua các hình ảnh, âm thanh, xưởng thực hành sản xuất, không gian ảo… mà giáo viên xây dựng lên trên các phần mềm tin học ứng dụng.
Hiện nay với khoảng hơn 40 đơn vị đào tạo design trên cả nước góp phần thúc đẩy cạnh tranh sự phát triển ngành Thiết kế công nghiệp Việt Nam (Design). Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo Design còn thiếu cập nhật công nghệ trong đổi mới phương pháp giảng dạy chuyên ngành vẫn còn nặng phương pháp giảng dạy truyền thống, hoặc thiên về dùng phương pháp minh họa thủ công như vẽ tay mô phỏng, xem bài mẫu cũ thiếu đổi mới CNTT vào trong biên soạn bài giảng dẫn đến thông tin hạn chế. Một số giảng viên lên lớp thiếu cập nhật CNTT hoặc khả năng sử dụng công nghệ chưa tốt, giảng dạy theo phương pháp thầy giảng trò nghe và ghi chép không có những mô phỏng hướng dẫn bằng công nghệ 3d, video số…dẫn đến sinh viên khó hiểu, học tập thiếu nhiệt huyết. Hệ quả dẫn đến là SV sau khi học xong không nắm được kiến thức.
Do đó, cần đánh giá, điều chỉnh đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đầu ra nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc tiếp nhận, sử dụng nguồn nhân lực design. Cần đào tạo ra những họa sĩ, những nhà thiết kế sáng tạo có năng lực tư vấn thiết kế các công trình, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đảm bảo các tiêu chí, nhu cầu sử dụng phù hợp với thị trường. Từ những lý do đó buộc người dạy chuyên ngành thiết kế, mỹ thuật ứng dụng phải thường xuyên cập nhật đổi mới về chuyên môn, nâng cấp khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực design một cách  hiệu quả.
                 Muốn ứng dụng CNTT trong đổi mới PPGD thiết kế  trước hết người GV phải có những kiến thức cơ bản về tin học các kỹ năng sử dụng máy tính và một số thiết bị CNTT thông dụng như: Microsoft Word, Power point và một số phần mềm tạo Video như (Proshow Producer, Window Movie Maker,  Proshow Gold) tiếp đến là các phần mềm đồ họa phù hợp với từng chuyên ngành thiết kế cơ bản đến nâng cao như : Auto Cad, 3ds Max, Photoshop, Illustrator,  Coreldraw, InDesign, Sketchup, Maya…Các kỹ năng sử dụng công nghệ để xây dựng bài giảng sẽ giúp người học tiếp thu dễ dàng nội dung muốn truyền tải hoặc kỹ năng sáng tạo,  tìm kiếm thông tin trên mạng Internet nhanh và có hiệu quả kỹ năng tra cứu lưu giữ xử lý thông tin các kỹ năng tạo ra các sản phẩm tích hợp dạng multimedia bao gồm nhiều dạng tài liệu như văn bản video hình ảnh âm thanh tạo các siêu liên kết và tích hợp nó trong một sản phẩm trình diễn và kiến thức kỹ năng sử dụng máy tính làm chủ các phần mềm ứng dụng  trong dạy học chuyên ngành thiết kế như: Đồ họa, Nội thất, Thời trang.   
                 Điều đó đòi hỏi khi thiết kế bài giảng điện tử môn học chuyên ngành thiết kế GV cần năm bắt tính hệ thống và kết cấu của một bài giảng nắm rõ quy trình xây dựng bài giảng từ khâu viết kịch bản bài giảng cho đến khâu hoàn thiện. Những thông tin tư liệu hình ảnh…cần phải được chọn lọc thiết thực và phù hợp với nội dung bài giảng. Khi thiết kế một bài giảng điện tử trên Powerpoint ngoài những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng tin học GV cần nắm vững qui trình thiết kế một bài giảng trên máy tính. Mặt khác khi đã làm chủ công nghệ thông tin vấn đề ứng dụng CNTT như thế nào để phát huy vai trò của CNTT  trong dạy học mỹ thuật là vấn đề quan trọng. Đổi mới PPGD cần đổi mới tư duy phải nhận thấy được vai trò tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động dạy – học [2]
                Để đồng bộ hoá phương pháp giảng dạy, học tập tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sáng tạo thiết kế, tạo cảm hứng trong thời đại thông tin và hội nhập nền công nghiệp 4.0 phải coi trọng môn tin học và khả năng ứng dụng CNTT. Từ những phương tiện này GV có thể khai thác sử dụng cập nhật và trao đổi thông tin trên nhiều phương tiện, công cụ, phần mềm giúp cho bài giảng được trực quan sinh động. Sinh viên tiếp thu bài học một cách chủ động nếu GV biết kết hợp với các hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Đây là một trong những yêu cầu đặc biệt cần thiết đối với GV giảng dạy thiết kế công nghiệp. Chúng ta đều biết Design và mỹ thuật ứng dụng là một môn học đặc thù bởi  yếu tố thực hành và khả năng cảm thụ thẩm mỹ là chủ yếu để thể hiện ý tưởng sáng tạo trong sản phẩm của mình bằng ngôn ngữ hình ảnh, sản phẩm thiết kế và những phương tiện biểu đạt  đòi hỏi quá trình rèn luyện học tập kỹ năng lâu dài khác với các ngành học khác. Mặt khác dạy học mỹ thuật ứng dụng ở các trường chuyên nghiệp giống như sự truyền nghề truyền kỹ năng kinh nghiệm thiết kế sáng tạo cho người học. Một ưu điểm lớn khi GV ứng dụng CNTT trong giảng dạy mỹ thuật hay mỹ thuật ứng dụng là nó giúp GV tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc ghi bảng.
CNTT là một công cụ hỗ trợ quá trình giảng dạy và học tập theo hướng tích cực người GV dạy thiết kế mỹ thuật cần linh hoạt trong việc sử dụng công nghệ thông tin  trong từng môn học sao cho phù hợp, ví dụ một số ngành mỹ thuật ứng dụng thiên về trang trí đòi hỏi người tạo ra sản phẩm có đôi tay khéo léo có thể duy trì hình thức đào tạo chú trọng rèn luyện khả năng thể hiện bằng tay theo lối truyền nghề, phải thay đổi hình thức kết cấu bài giảng, thời lượng lên lớp lý thuyết, thực hành phân bổ sao cho hợp lý, giảng viên chú trọng phương pháp sử dụng các công nghệ hỗ trợ giúp người học hình dung được phương pháp sáng tạo thiết kế và khả năng tư duy hình ảnh. [3]
Vì vậy ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngành thiết kế công nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng xuất phát từ đặc trưng chuyên môn. Việc ứng dụng CNTT sẽ đạt hiệu quả cao nhất ở  một số chuyên ngành thiết như: Đồ họa, Nội thất, Thời trang, Tạo dáng công nghiệp… do những chuyên ngành học này sử dụng nhiều phần mềm tin học ứng dụng giúp thể hiện ý tưởng thiết kế một cách hiệu quả gần với thực tế xã hội, ví dụ như công nghệ 3D giúp thiết kế hình dung một không gian đầy đủ hình khối, màu sắc chất liệu, ánh sáng của một không gian giúp hiển thị hình ảnh thiết kế một cách bao quát trung tực trước khi thi công sản xuất  và việc cung cấp thông tin tư liệu hình ảnh liên hệ thực tế… đối với những vấn đề xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng. Chẳng hạn như để dạy bài ” Cơ sở thiết kế ” (Element of design)  GV có thể  sử dụng phần mềm 3D Max, Illustractor, Photoshop kết hợp với  Powerpoint để thiết kế bài giảng minh hoạ cho nội dung bài giảng thêm sinh động giúp SV nhận thức được nguyên tắc thiết kế, nguyên tắc bố cục, hình khối, ánh sáng, nguyên lý màu sắc mô tả thành phần quang phổ bước sóng của màu sắc và nắm được nhưng nguyên tắc cơ bản của các yếu tố tạo hình màu và vai trò của màu sắc trong tự nhiên trong các sản phẩm thiết kế công nghiệp màu sắc trong tác phẩm hội hoạ…Trong tiết dạy  GV có thể tích hợp và lồng ghép liên hệ thực tế đến các chuyên ngành thiết kế như Thời trang, Nội thất, Đồ họa thông qua các kênh hình khối, màu sắc trong tự nhiên và nhân tạo thông qua hình ảnh trực quan sinh động dễ hiểu được GV trình bày kết hợp những công nghệ hiện đại, giúp SV liên hệ với những vấn đề chuyên môn được sâu hơn, thực tế hơn…Đây không những là nguyên lý giáo dục lý thuyết kết hợp với các giáo cụ trực quan mà còn là phương pháp sư phạm tích cực đặc biệt là đối với các môn học lý thuyết và đồ án  ngành thiết kế.
                    Trong xu hướng phát triển khoa học kĩ thuật và CNTT của thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi phương pháp giảng dạy trong đào tạo ngành thiết kế công nghiệp phải có sự đổi mới để phù hợp với sự phát triển, trước hết là việc đổi mới phương pháp giảng dạy- hướng đến phương pháp dạy học hiện đại, trong đó coi trọng việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy.  Vai trò của người thầy đạo diễn quá trình dạy học hướng đến mục tiêu cuối cùng là người học tiếp nhận, nắm vững kiến thức lý thuyết, kĩ năng thực hành. Do đó, một yêu cầu đối với người thầy trong dạy học hiện đại ngoài việc phải có một khả năng sư phạm tốt và phải biết kết hợp các yếu tố truyền thống cũng như hiện đại để tổ chức giảng dạy đạt hiệu quả.
Để xây dựng bài giảng cho các môn học lý thuyết cũng như đồ án chuyên ngành thiết kế ứng dụng tốt hiệu quả CNTT thì mỗi một GV cần chuẩn bị những yêu cầu và công cụ sau:
Về nhận thức: GV cần coi trọng ứng dụng CNTT cùng với việc đổi mới PPGD có ý thức thường xuyên chuẩn bị và sử dụng CNTT cho môn học chuyên ngành thiết kế cụ thể lựa chọn bài giảng thích hợp để thiết kế giáo án điện tử theo trình tự khoa học.
                Về chuẩn bị : GV cần nghiên cứu bài dạy chuyên ngành thiết kế; lựa chọn nội dung cần thể hiện trong bài dạy ý tưởng trình bày; lựa chọn các dạng đối tượng đa phương tiện (multimedia) phù hợp để minh hoạ cho nội dung bài giảng; Chuẩn bị tài liệu (Văn bản hình ảnh tĩnh-động âm thanh phim ảnh, clip…) bằng các công cụ phần mềm khác nhau.
Về cơ sở vật chất: Các cơ sở đào tạo nói chung và GV dạy chuyên ngành cần chuẩn bị những thiết bị như máy tính có cấu hình phù hợp với các phần mềm, các thiết bị công nghệ như máy chiếu, máy Scaner, Bảng điện tử… các phòng học chuyên dụng cho từng chuyên ngành khác nhau.
Về phương pháp : Nắm vững qui trình thiết kế bài giảng chuyên ngành thiết kế, mỹ thuật trên máy tính; cấu trúc giáo án tích hợp các nội dung vào các Slide Powerpoint;chia nhỏ nội dung thông tin thành những modul  mỗi modul  thông tin sẽ được hiển thị trong một Slide hoặc một clip … có thể ứng dụng một số công cụ, phần mềm để xây dưng bài giảng hiệu quả như:
               Ứng dụng E-Learning vào giảng dạy.
               Là PPGD giúp cho việc tạo nội dung học tập một cách dễ dàng. Các trang web với tất cả các loại tương tác multimedia được tạo ra dễ dàng như việc tạo một bài trình bày bằng PowerPoint. Với loại ứng dụng này GV có thể nhập các đối tượng học tập đã tồn tại trước như text, hình ảnh, âm thanh, các hoạt hình, và video chỉ bằng việc kéo thả. Điều đáng chú ý là nội dung sau khi soạn xong có thể xuất ra các định dạng như HTML, CD-ROM, hoặc các gói tuân theo chuẩn SCORM/AICC, phương pháp này sẽ phù hợp và hiệu quả với các môn học cơ sở ngành, lý thuyết của đồ án.

  • Sử dụng công cụ soạn bài điện tử
  • Công cụ mô phỏng
  • Công cụ tạo bài kiểm tra
  • Công cụ tạo bài trình bày có multimedia
  • Công cụ seminar điện tử

Ứng dụng các phần mềm như Camtasia Studio.
Dễ dàng tạo các video hướng dẫn, giải thích, các khóa học trực tuyến,…khả năng của chương trình là không giới hạn. Kết nối với người học thông qua các phim ghi hình màn hình, âm thanh, tường thuật giọng nói, PowerPoint, các video hình trong hình và webcam.

  • Ghi hình lại mọi thứ
  • Thiết lập các tùy biến
  • Thêm một số hiệu ứng
  • Ghi hình trong hình
  • Hiệu chỉnh lại đoạn phim ghi được
  • Xuất phim ra một định dạng theo yêu cầu
  • Chia sẻ và trình chiếu giáo án điện tử

Ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học tạo điều kiện thuận lợi để SV tự đổi mới phương pháp học tập, tự chủ hành động xây dựng kiến thức, đồng thời phát huy được vai trò tương tác của tập thể lớp đối với quá trình nhận thức của mỗi sinh viên. Song để thực sự sử dụng một phương tiện dạy học đa tác dụng thì đòi hỏi giáo viên phải tự rèn luyện, tự học nhiều hơn, phải sử dụng thành thạo máy vi tính, nâng cao kĩ năng về soạn bài giảng, giáo án điện tử và các kĩ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ hội nhập, tạo thuận lợi cho người học có thể tích luỹ dần kiến thức theo khả năng và điều kiện của mình.. [2]
Từ những kinh nghiệm thực tế và giảng dạy của bản thân qua vấn đề nghiên cứu ứng dụng CNTT trong đào tạo đã minh chứng tính hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngành thiết kế công nghiệp. Nó giúp  rút ngắn rất nhiều con đường đi đến các mục tiêu và làm phong phú thêm nội dung bài giảng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp giảng dạy ngành thiết kế công nghiệp một cách nghiêm túc toàn diện  để góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động dạy – học Design. Các trường đào tạo cần đưa các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin để sinh viên thiết kế có điều kiện tiếp cận nội dung chương trình giảng dạy chuyên ngành thiết kế từ lý thuyết đến đồ án một cách hệ thống liên quan đến CNTT trong các hoạt động sáng tạo cũng như kinh nghiệm thực tế, thực hành với các công cụ truyền thông hiện đại. Thúc đẩy việc khám phá CNTT cho giảng viên thông qua các chính sách ưu đãi và thử nghiệm như: triển lãm, trưng bày, giải thưởng thiết kế sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin vào design, hội thảo, Workshop có sự phối hợp của nhà khoa học công nghệ, kỹ sư CNTT, các trường đào tạo Design cần liên kết với các trung tâm hoạt động trong lĩnh vực CNTT để xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo về thiết kế có khả năng sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ. Hy vọng rằng trong công tác giảng dạy ngành thiết kế công nghiệp ở các trường CĐ – ĐH đào tạo Design nói chung sẽ có nhiều đổi mới về về phương pháp khi ứng dụng CNTT vào giảng dạy đáp ứng chiến lược đào tạo xây dựng và bồi dưỡng nguồn nhân lực Design có chất lượng tốt để phục vụ xã hội trong hiện tại và tương lai.

 

ThS. Bùi Văn Long 

 

Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Kiếm (2002). “Một số đề nghị đổi mới phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin”. Báo cáo khoa học ĐHQG-HCM, tháng 11/2002
2. Lê Hải Đồng (2016), “Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới dạy học ở trường TH Việt Thắng 1”, Trường TH Việt Thắng.
3. Nguyễn Mạnh Cường (2003). Đổi Mới Phương Pháp Giảng Dạy Với Sự Hỗ Trợ Của Máy Tính. Hội thảo “Đổi mới giảng dạy ngữ văn ở trường Đại họ”, Trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM.
4. Nguyễn Hồng Ngọc (2018). “Đào tạo họa sỹ thiết kế đồ họa trong thời đại số, Tạp chí khoa học & đào tạo, Đại học Công nghệ Sài gòn
5. Nguyễn Hữu Quang (2011). “Ứng dụng CNTT đổi mới phương pháp dạy học Mỹ thuật ở các trường chuyên nghiêp. Đại học Phạm Văn Đồng
6. Phạm Xuân Hậu và Phạm Văn Danh (2010). “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả dạy học và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học sư phạm. Viện Nghiên cứu Giáo dục – ĐHSP TP.HCM.
 

 

5/5 - (1 vote)
Banner-backlink-danaseo

Bài viết liên quan

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments